31/7/08

NGÂN HÀNG TRÒ CHƠI ( 4 )


1.Mũi tên – Con thỏ – Bức tường :
Trò chơi quy định như sau:
Mũi tên thắng con thỏ.
Con thỏ thắng bức tường.
Bức tường thắng mũi tên.
Qui định thể hiện mũi tên bằng động tác tay giương cung tên.
Con thỏ thể hiện bằng cho hai tay lên đầu làm tai thỏ.
Bức tường thể hiện bằng giơ thẳng 2 tay lên đầu.
Chia lớp thành 2 đội. Thông báo về qui định và cách thể hiện. Đề nghị các đội quây tròn lại để bàn bạc và quyết định nhóm sẽ làm gì (mũi tên/con thỏ/bức tường). Phải đảm bảo toàn đội thống nhất cách thể hiện, nếu có người làm những động tác khác, đội sẽ thua. Khi 2 nhóm đã sẵn sàng, đề nghị cả hai đội đứng thành hàng và quay lưng lại nhau. Người trưởng trò đếm từ đến 3. Khi đếm đến 3 cả hai đội phải đồng loạt quay đối mặt vào nhau và thể hiện động tác.

2.Ngồi chung ghế: Trưởng trò ra các hiệu lệnh về số người phải chung ghế, VD, 3 người 1 ghế, 5 người 2 ghế....những ai làm sai hiệu lệnh hoặc không hoàn thành là người thua cuộc.

3.Gọi tên nhanh: chia lớp thành 2 đội. Sử dụng một mảnh vải to để 2 người giữ hai đầu làm biên giới cho 2 đội. Đảm bảo mảnh vải đủ dầy và to để hai đội không nhìn thấy nhau trong quá trình chơi. Mỗi đội cử 1 người ngồi chính giữa sát mảnh vải. Người trưởng trò hô 1,2,3 rồi hạ mảnh vải xuống. Bên nào gọi trước và gọi đúng tên người được cử lên, bên đó chiến thắng.

4.Đốt pháo. Mọi người đứng thành vòng tròn. Người trưởng trò đứng giữa. Người trưởng trò chỉ và gọi tên người nào, người đó trở thành quả pháo và phải kêu ‘Đùng’. Hai người bên cạnh người đó phải kêu ‘Đoàng’. Nếu ai làm sai qui định sẽ bị thua và bị đánh dấu vào tay (sử dụng băng dán giấy của lớp dán vào tay).

5.7 up. Mọi người đứng thành vòng tròn và đếm lần lượt từ 1 đến 7. Qui định khi đếm từ 1 đến 6 người đếm phải hô to con số và để tay lên vai (trái hoặc phải). Nếu tay để lên vai trái nghĩa là người kế tiếp bên trái tiếp tục hô. Nếu tay để lên vai phải nghĩa là người kế tiếp bên phải tiếp tục hô. Riêng đến số thứ 7, người đến lượt sẽ không đọc số 7 mà chỉ im lặng để tay lên đầu. Bàn tay chỉ hướng nào thì người kế tiếp tiếp tục hô. Nếu ai vi phạm những quy định trên là người thua cuộc.

6.Hát và múa phụ họa. Một vài người hát, một vài người múa phụ họa cho bài hát.

7.Ném bóng: tung bóng về phía ai và người đó phải nói 1 nội dung liên quan đến chủ đề được lựa chọn. VD: tên các thành phố ở VN, tên các thủ đô trên thế giới, các loài vật, loài hoa...

8.Chim về chuồng. Đề nghị cả lớp đứng thành vòng tròn. Chia 3 người về một nhóm. Trong nhóm 3 người, 2 người nắm lấy tay nhau tạo thành chuồng chim. Người ở giữa chui trong chuồng làm chim. Người trưởng trò ra các hiệu lệnh và yêu cầu các nhóm thực hiện theo. VD: mở cửa chuồng. Chim thò đầu ra khỏi chuồng. Chim cho một chân ra khỏi chuồng... Khi người trưởng trò hô ‘Đổi chuồng’, các chim phải bay đi tìm chuồng mới. Trong lúc này người trưởng trò sẽ vào một chuồng. Chim nào không có chuồng sẽ phải làm người điều hành trò chơi.

9.Ghép câu :Chuẩn bị số thẻ giấy bằng số HV tham gia chơi. Chia 2 nhóm có số lượng bằng nhau. Yêu cầu mỗi thành viên trong nhóm 1 viết một mệnh đề lên thẻ giấy, bắt đầu bằng ‘Nếu...’ (VD ‘nếu có gió mùa đông bắc’). Mỗi thành viên nhóm 2 viết một mệnh đề bắt đầu bằng ‘thì ...’ (VD ‘thì anh sẽ yêu em’ . Sau đó người trưởng trò thu lại các thẻ giấy theo từng nhóm. Cử 2 người lên ghép các mệnh đề thành câu. Mỗi người đọc ngẫu nhiên một thẻ giấy bắt đầu bằng “Nếu...”, người sau đọc ngẫu nhiên một thẻ giấy bắt đầu bằng ‘thì...’. Việc ghép này có thể tạo ra những ý nghĩa buồn cười hoặc không lôgíc tạo không khí vui nhộn cho lớp.

10.Gọi tên nhanh : Chia lớp làm 2 nhóm. Có hai người cầm 2 đầu mảnh vải ngăn 2 đội. Đảm bảo mảnh vải phải đủ to và dầy để thành viên của hai đội không nhìn thấy nhau. Mỗi đội cử 1 người lên ngồi sát mảnh vải. Hai người này có nhiệm vụ gọi đúng tên nhau khi mảnh vải được hạ xuống. Khi hai người đã ngồi đúng vị trí, người điều hành hô 1,2,3 và bất ngờ hạ mảnh vải xuống. Ai gọi đúng tên người ngồi đối diện và nhanh nhất sẽ chiến thắng.

11.Trò chơi Ly dị. Lập thành những nhóm 2 người. Trưởng trò yêu cầu các nhóm thể hiện là những cặp uyên ương trong thời kỳ mặn nồng: VD: vai kề vai, má kề má, mông kề mông, chân kề chân....Khi trưởng trò yêu cầu ‘Ly dị’, đề nghị các cá nhân tìm một người bạn mới. Người trưởng trò hoặc người lẻ đôi cũng tìm người bạn mới. Người nào không tìm được người bạn mới là người thua cuộc.

12.Trò chơi “Ta là Vua”: Học viên đứng thành vòng tròn. Người trưởng trò chỉ vào ai, người đó là Vua. Người là Vua giơ hai tay lên đầu và kêu to: ‘Ta là vua’. Hai người hai bên phải chắp tay quay về phía nhà vua và kêu to “tâu bệ hạ”. Phải đảm bảo 2 người bên cạnh phải thấp hơn nhà vua. Vì vậy nếu nhà vua ngồi thấp thì người hai bên phải ngồi thấp hơn nhà vua. Ai làm không chính xác sẽ thua.

13.Thi đếm một hơi. Trong khi đếm không được lấy hơi. Ai đếm được nhiều số nhất người đó chiến thắng.

14.Tôi thương tôi thương: Mỗi người ngồi trên 1 ghế. Riêng người điều hành không có ghế ngồi. Người điều hành trò chơi nói: tôi thương tôi thương.Lớp hỏi: thương ai thương ai.Người điều hành: Nói 1 đặc điểm của một nhóm người (VD: những người đeo đồng hồ). Những người có đặc điểm chung đó phải đứng lên đổi chỗ cho nhau. Người điều hành sẽ ngồi vào một ghế. Người nào không tìm được ghế ngồi sẽ thua cuộc. Lặp đi lặp lại với những đặc điểm khác nhau đảm bảo mọi người trong lớp đều có cơ hội đổi chỗ.

15.Nữ hoàng khó tính: Chia lớp thành 2 đội. THV đóng vai một nữ hoàng khó tính. Vì khó tính nên nữ hoàng đòi hỏi mỗi đội phải mang đến cho nữ hoàng một số ‘báu vật’ khó tìm. Mỗi lần yêu cầu một đồ vật. Đội nào mang được nhiều ‘báu vật’ đúng yêu cầu và nhanh nhất sẽ là đội chiến thắng. Ghi chú: đảm bảo các đội phải đứng cách nữ hoàng khoảng cách như nhau. Nữ hoàng có thể yêu cầu một số đồ vật như: một chiếc bút màu đỏ/một chiếc khăn, một cái tất/ một cái thắt lưng....

16.Truyền thư qua vai: dùng một tờ giấy bìa gập nhỏ để còn khoảng 25 cm x 5 cm. Yêu cầu mọi người đứng thành vòng tròn vai sát vai. Đề nghị mọi người truyền miếng bìa (lá thư) bằng vai theo một chiều nhất định. Người nào làm rớt lá thư sẽ bị phạt.

17.Bước chân Trường Sơn:Yêu cầu người chơi vỗ tay theo nhịp chân của người trưởng trò khi chân người trưởng trò chạm đất. Nếu người trưởng trò không chạm chân xuống đất mà người chơi vỗ tay là phạm luật. Người bị phạm luật sẽ bị ra khỏi cuộc chơi.

18.Be, Síu, Túm: Yêu cầu người chơi đứng thành vòng tròn đếm lần lượt. Khi đếm đến 3 – phải đọc là ‘Be’, đến 6 - đọc là ‘Síu’, đến 8 - đọc là ‘Túm’. Tương tự, khi đến 13 - đọc là ‘Mười Be’, 16 - đọc là ‘Mười Síu’,...

19.Làm theo tôi nói

“Cầm tay nhau đi, xem ai có giận hờn gì.
Cầm tay nhau đi, xem ai có giận hờn chi.
Mình là anh em, có chi đâu mà giận hờn
Cầm tay nhau đi, hãy cầm tay nhau đi”

Đề nghị lớp đứng thành vòng tròn vừa chơi vừa hát bài hát trên. Người trưởng trò yêu cầu các hành động khác thay thế hành động ‘cầm tay” bằng cách vừa hát và vừa thay cụm từ ‘cầm tay nhau đi’ bằng những hành động khác VD: “Kề vai nhau đi” hoặc “kề lưng nhau đi” hoặc “ Sờ tai nhau đi” vv...Người chơi vừa hát và vừa hành động như yêu cầu.

20.Cua cắp: Người chơi đứng thành vòng tròn. Tay trái xoè ra. Tay phải để ngón trỏ vào bàn tay xoè ra của người bên cạnh (giống trò chơi ù à ù ập). Người quản trò nói ‘đi chợ, đi chợ’. Người chơi hỏi ‘mua gì? mua gì?. Người quản trò có thể nói bất kỳ đồ mua sắm gì. Chú ý: sau mỗi từ, người quản trò lại nói lại “ đi chợ, đi chợ”. Khi người quản trò nói đến từ “ mua cua” người chơi phải : tay trái túm lấy ngón tay trỏ của người bên cạnh. Tay phải rút nhanh ra khỏi bàn tay người khác. Ai bị túm tay là người thua cuộc.

21.‘Bảy’ chớ đọc : Học viên đứng thành vòng tròn lần lượt đếm số. Luật chơi như sau: người chơi đọc to số, riêng đến số có từ “bảy” hoặc những số chia hết cho bảy người chơi không được đọc số, thay vào đó là vỗ tay. Ai làm nhầm sẽ thua cuộc.

22: Ghép câu: Phát cho mỗi người chơi 1 mảnh giấy (khoảng bằng 1/3 khổ giấy A4). Từng người chơi ghi tên mình lên tờ giấy. Người trưởng trò nêu các câu hỏi, đề nghị người chơi ghi câu trả lời lên giấy.
Lưu ý:
· người chơi không chép câu hỏi mà chỉ ghi câu trả lời.
· Sau mỗi câu trả lời, đề nghị người chơi bỏ cách 1 dòng
· đến phần 2, người trưởng trò đề nghị người chơi ghi câu hỏi vào chỗ bỏ cách dòng.
Câu hỏi 1: Bạn tắm bao nhiêu lần trong vòng 1 năm
Câu hỏi 2: Hãy mô tả con vật bạn yêu quí
Câu hỏi 3: hãy mô tả con vật bạn ghét
Sau khi người chơi đã trả lời hết câu hỏi trên, người trưởng trò đề nghị tráo các thẻ giấy để người chơi sẽ cầm thẻ giấy của người khác. Người trưởng trò tiếp tục hướng dẫn mọi người chơi vòng 2 bằng cách ghi vào những chỗ dòng trống 3 câu hỏi sau:
Câu 1: Bạn đã yêu bao nhiêu lần
Câu 2: Hãy mô tả người yêu cũ của bạn
Câu 3: Hãy mô tả vợ bạn
Sau đó , đề nghị người chơi lần lượt đọc thẻ giấy mình cầm (nhớ nói tên thẻ giấy đó thuộc về ai)
II. Trò chơi xây dựng tinh thần hợp tác/tinh thần đồng đội trong lớp: (những trò chơi này, THV có thể linh hoạt sử dụng phục vụ vào nội dung bài học nếu phù hợp)
1.Phát huy nội lực: Chia 2 nhóm có số lượng người bằng nhau. Chọn một địa điểm có mặt sàn rộng, không vướng đồ đạc. Yêu cầu trong 5 phút, hai đội phải sử dụng những nguồn lực của chính mình tạo thành một sợi dây dài xếp xuống sàn. Đội nào xếp thành sợi dây dài nhất, đội đó chiến thắng. (ghi chú các đội không được lấy đồ chung của lớp học như thước kẻ, giấy...Học viên có thể sử dụng đồ cá nhân như khăn quàng, thắt lưng, túi xách...)
2.Dắt bạn ( theo từng đôi): Chuẩn bị khăn hoặc mảnh vải đủ dài và dầy để bịt mắt. Nên tổ chức trò chơi này ngoài trời nhưng tránh những chỗ nguy hiểm hoặc có nhiều đồ vật cản trở. Chia học viên thành từng đôi. Những người cần tìm hiểu thêm về nhau hoặc những người cần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ, hợp tác với nhau nên về cùng một đôi. Trong nhóm hai người, một người sẽ bị bịt mắt, vì vậy, người kia sẽ phải dắt tay bạn đi đến đích người trưởng trò yêu cầu. Khi nhóm về đến đích lần đầu, trưởng trò yêu cầu đổi vai. Người dắt bạn lại bị bịt mắt để người kia dẫn. Kết thúc trò chơi, người trưởng trò nên hỏi một số câu hỏi để học viên phân tích về quá trình xây dựng sự tin tưởng, mối quan hệ, tình cảm...với nhau thông qua trò chơi. VD: Cảm giác của bạn lúc bị bịt mắt như thế nào? Người bạn mở mắt đã làm gì để giúp bạn về đích? Bạn cảm nhận gì về sự giúp đỡ của người bạn đó?

3.Đi tìm báu vật: Chia nhóm 2 hoặc 3. Mỗi nhóm có nhiệm vụ kiếm về một số đồ vật theo yêu cầu của tập huấn viên trong khoảng thời gian quy định. Nhóm nào kiếm đủ số đồ vật đúng qui định và sớm nhất là nhóm chiến thắng.

4.Xây dựng con thuyền chung : Chia nhóm. Mỗi nhóm có nhiệm vụ làm chung 1 con thuyền đáp ứng một số yêu cầu của tập huấn viên và trong một khoảng thời gian quy định với những nguyên vật liệu cho sẵn (VD chắc chắn nhất; tốn ít nguyên vật liệu nhất;.... Có thể thay thế con thuyền bằng những công việc khác để cả nhóm làm chung, VD ngôi nhà, bộ quần áo... )

5.Trao và nhận : ngồi vòng tròn và vỗ tay theo chiều quy định – VD từ trái sang phải. Từng người lần lượt vỗ tay (người trao) và quay nhìn người bên cạnh theo chiều quy định. Người ngồi cạnh - người nhận - phải vỗ tay cùng nhịp với người trao. Đảm bảo mọi người phải nhìn vào mắt nhau và vỗ tay cùng nhịp. Sau vài vòng trao và nhận, tốc độ vỗ tay phải nhanh dần.

6.Múa gậy: Cần chuẩn bị gậy tre/trúc và máy nghe nhạc. Chia học viên về nhóm 2 người. Phát cho mỗi nhóm 1 chiếc gậy tre/trúc (dài khoảng 90 – 100 cm). Bật nhạc, đề nghị mỗi người chỉ sử dụng 1 ngón tay để giữ gậy. Các nhóm múa gậy theo tiếng nhạc. Nhóm nào rơi gậy là nhóm thua. Trò chơi này cần sự hợp tác, hiểu nhau giữa các thành viên.

7.Kể chuyện tập thể: ngồi vòng tròn, mỗi người nói 1 câu, người sau phải nói tiếp hợp lôgíc với câu nói trước để tạo thành 1 câu chuyện.

8.Người bạn bí mật : Trò chơi thường bắt đầu vào ngày thứ 2 của khoá học khi mọi người đã thuộc tên nhau. Tập huấn viên ghi tên từng người trong lớp vào các thẻ giấy và gập lại. Trộn đều các thẻ giấy này. Sau đó đề nghị mọi người bắt thăm. Nếu bắt phải thẻ giấy ghi tên ai thì người có tên trong thẻ giấy trở thành người bạn bí mật của mình. Vì bí mật nên các cá nhân phải giữ bí mật, không thổ lộ với người khác. Mọi thành viên trong lớp có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ bạn bí mật của của mình nhưng phải đảm bảo không bị phát hiện. Điều này tạo không khí bí ẩn, bất ngờ, vui vẻ... mọi người trong lớp đều được ít nhất là một người chăm sóc, quan tâm. Nhiều khi để ‘gây nhiễu’ các cá nhân phải quan tâm cùng một lúc đến rất nhiều người để không bị phát hiện. Ngày cuối cùng của khoá học, tập huấn viên cần tổ chức hoạt động để các đôi bạn bí mật tìm ra nhau.

9.Lá thư khen ngợi: THV chuẩn bị số phong bì thư bằng số lượng học viên và tập huấn viên trong lớp. THV phát phong bì cho học viên và yêu cầu họ ghi đầy đủ họ và tên lên mặt sau của phong bì. Sau đó, đề nghị mọi ngườidán các phong bì lên tường vào ngày đầu khoá học (mặt sau của phong bì quay ra ngoài). Yêu cầu học viên trong lớp gửi những lời khen ngợi hoặc những điều mình thấy ấn tượng về những người có tên ghi trên phong bì. Những lời khen đó sẽ được viết vào 1 tờ giấy và bỏ vào phong bì của từng người. Cuối khoá học, từng người sẽ lấy phong bì về, trong đó có rất nhiều ‘món quà’, đó là những lời khen ngợi từ bạn bè và tập huấn viên. Có thể dành ít phút để từng người đọc lên ít nhất là 3 điều họ thấy rất thích từ những món quà của bè bạn.

10.Viết thiếp Có thể thay thế trò chơi lá thư khen ngợi bằng việc đề nghị học viên viết những điều tốt đẹp vào thiếp và gửi tặng từng bạn trong lớp. THV chuẩn bị số bưu thiếp bằng số lượng người trong lớp (kể cả tập huấn viên, quan sát viên...). Trò chơi này được sử dụng trước khi kết thúc khoá học. Đề nghị cả lớp ngồi thành vòng tròn, mỗi người có 1 cây bút trong tay. Phát cho mỗi người một bưu thiếp, đề nghị từng người ghi rõ tên đầy đủ của mình lên bưu thiếp. Sau khi mọi người viết tên xong, đề nghị mọi người chuyển bưu thiếp sang cho người ngồi sát bên tay phải mình. Khi cầm trong tay bưu thiếp của ai thì ghi một điều tốt đẹp/ hoặc một điều mình rất thích/ hoặc học được từ bạn mình/ vào tấm bưu thiếp. Tiếp tục chuyển các bưu thiếp và ghi những lời tốt đẹp như vậy đến khi bưu thiếp quay về chính với người chủ.
Ngoài cách trên, THV có thể tự tay viết tên từng người trong lớp lên từng bưu thiếp. Bày các bưu thiếp đó trên bàn ở góc lớp. Đề nghị HV trong giờ giải lao lên ghi những lời tốt đẹp vào từng bưu thiếp để tặng bạn mình.

11.Tặng quà cho bạn: (có thể sử dụng trò chơi này khi kết thúc khoá học) THV mua đủ số quà cho học viên trong lớp. Có thể là những món quà nhỏ (VD khăn mùi xoa, dây đeo chìa khoá...). Học viên sẽ lần lượt lên tặng quà cho một người bạn trong lớp và trước khi trao quà phải làm một điều theo yêu cầu ghi trong thẻ giấy THV đã chuẩn bị từ trước. Lần lượt từng học viên lên bốc thăm xem mình sẽ tặng quà cho ai và phải làm điều gì. THV chuẩn bị trước những thẻ giấy ghi tên học viên được nhận quà và yêu cầu người trao quà làm hoặc nói một điều gì đó cho người được nhận quà. THV nên ghi nhớ cá tính hoặc một đặc điểm thú vị của người được tặng quà để yêu cầu người trao quà làm một việc làm thú vị. VD: Chị Mai là người có nụ cười rất dễ thương trong lớp, vì vậy trong thẻ giấy đề nghị người trao quà làm việc sau: Hãy nói với chị Mai về nụ cười của chị/hoặc hãy thể hiện một hành động thể hiện tình cảm của bạn đối với chị Mai.
Ghi chú: tránh ồ ạt tất cả mọi người cùng lên tặng quà. Lần lượt từng người lên tặng quà. Những người còn lại quan sát và chia vui cùng họ.
12.Chèo thuyền qua sông : Chia nhóm, mỗi nhóm khoảng 4-5 người. Mỗi nhóm có 2 tờ giấy to làm thuyền. Các thành viên trong từng nhóm phải ở trên con thuyền của mình. Từng nhóm có nhiệm vụ trèo thuyền đến đích đảm bảo mọi người không bị ngã xuống nước. Nhóm nào có tất cả các thành viên về đích trước là nhóm chiến thắng.

13.Gắn bó: Chia nhóm, mỗi nhóm đứng trên 1 tờ giấy to, sau đó, tờ giấy được gấp nhỏ dần, đảm bảo các thành viên trong nhóm phải ở trên tờ giấy, không được dẫm chân ra bên ngoài.

14.Xếp hình : Chia nhóm, mỗi nhóm 4-5 người. Chuẩn bị cho mỗi nhóm một bộ tranh ghép hình. Tranh này được tháo và xếp lộn xộn. Nhiệm vụ của từng nhóm là : trong khoảng thời gian cho phép (5-7 phút) phải ghép thành bức tranh hoàn chỉnh.

15.Ngôi nhà của nhóm: chia HV thành những nhóm nhỏ. Phát các nguyên vật liệu cho từng nhóm, đảm bảo nguyên vật liệu như nhau cho mỗi nhóm. Đề nghị trong 1 khoảng thời gian nhất định (VD 15 ph) các nhóm phải hoàn thành xong 1 ngôi nhà đảm bảo sự tham gia của mọi thành viên. Tiêu chí chấm điểm của ngôi nhà: (có thể linh hoạt, tuỳ thuộc vào mục đích của trò chơi)

a. Vững chắc
b. đẹp
c. Tốn it nguyên vật liệu
d. Hoàn thành đúng tiến độ thời gian
16.Bịt mắt dắt bạn (có một số học viên nhắm mắt, có một số học viên mở mắt. Những người mở mắt có nhiệm vụ hướng dẫn để những người nhắm mắt có thể vượt qua được những chướng ngại vật tập huấn viên đưa ra).
17.Ai tính toán nhanh : Chia 2 đội. THV chuẩn bị khoảng 17 -21 bút. (Có thể thay thế bút bằng đũa hoặc lá cây hoặc những cái kẹo). Mỗi đội lần lượt lấy số bút, mỗi lần từ 1-2 bút. Đội nào lấy chiếc bút cuối cùng là đội thua.
18.Chuyển giao công nghệ: Chia lớp thành 2 đội. Phát cho mỗi thành viên của từng đội 1 chiếc tăm/hoặc 1 cái ống hút để ngậm ở miệng. Đề nghị trong vòng 1 phút mỗi đội lần lượt chuyển các sợi thun vòng từ người đầu tiên đến người cuối cùng thông qua sử dụng chiếc tăm/ống hút. Đảm bảo học viên không được dùng tay. Nếu đội nào để sợi thun vòng bị rơi, chiếc thun đó không được tính. Đội chiến thắng là đội chuyển được nhiều sợi thun nhất.

19.Xây tháp: chia lớp thành những nhóm nhỏ. Phát vật liệu cho các nhóm như nhau: 20 cái ống hút, kéo, 1 tờ báo, băng dinh. Đề nghị trong vòng 20 phút nhóm phải xây xong 1 cái tháp đảm bảo:
e. Tốn ít nguyên vật liệu
f. Vững vàng
g. Cao
Sau khi các nhóm hoàn thành, người quản trò chấm điểm
20.Cắt hình trên báo và tính điểm
THV chuẩn bị những tờ báo có nhiều hình quảng cáo. Đảm bảo số lượng tờ báo và những hình trên báo tương đối đồng đều. Giao nhiệm vụ cho các nhóm cắt hoặc xé các hình trên báo và dán vào giây to theo yêu cầu và cách tính điểm như sau:
- điện thoại di động : 1 điểm/1 máy
- TV: 2 điểm/1 máy
- xe ô tô: 3 điểm/1 ô tô
vv.
Lưu ý : những hình càng khó tìm càng được cao điểm
Nhóm nào có điểm cao nhất là nhóm chiến thắng

21.Vừa hát và vừa làm trò (lời bài hát: Đường quanh quanh, đường quéo quéo, con đường nào cũng có lúc quanh queo. đường quanh queo, đường quéo quéo, con đường nào cũng có lúc quanh queo). Thành viên đứng thành hàng dọc. Người quản trò đứng đầu hàng. Yêu cầu cả lớp hát bài hát trên và làm theo những hành động người quản trò làm. Người quản trò có thể vừa đi vừa bò hoặc chui qua những đồ vật xếp ở trên lớp...

22.Con cua con còng: Chia 2 đội đứng thành hai hàng đối mặt vào nhau, đội nọ cách đội kia khoảng 1 m. Lần lượt những người đầu cùng đấu với nhau bằng trò đấu tay (kiểu uyn đô toa). Quy định Quả đấm thắng Kéo; Kéo thắng Cái Lá; Cái Lá thắng Quả đấm. Bên nào có người thua, người đó bị loại ra cuộc chơi. Bên còn nhiều người hơn là bên chiến thắng. Trong quá trình chơi, cả hai nhóm cùng hát. Sau mỗi câu hát, hai người đầu của hai đội đấu tay. Người thua bị loại ra khỏi hàng . Bài hát như sau:
Kìa con cua với con còng đấu phép (đấu tay)
Đấu bao nhiêu là con còng thu hết (đấu tay)
Thế là con cua đã thua con còng (đấu tay)
Thế là con cua đã thua con còng (đấu tay)
23.Tìm từ
‘Con cào cào cắn cổ con cồ cộ’
Chia hai đội. Lần lượt mỗi đội đưa ra 1 từ thay thế từ ‘cắn’. Yêu cầu: phải là 1 động từ bắt đầu bằng chữ “ C”. Đội nào tìm từ trùng với những từ đã nêu trước hoặc không có khả năng tìm đúng từ sẽ thua.
Có thể thay thể cụm từ trên bằng bài hát ‘Trăng sáng lòng em. Lòng em trăng sáng. Trăng sáng soi sáng cả lòng em” Đề nghị người chơi thay thế từ ‘lòng ‘ bằng những từ khác chỉ bộ phận cơ thể, VD: “người”, “cằm “, ‘đùi’.....
III. Một số trò chơi liên quan đến bài học:

1.Tìm bạn : THV chuẩn bị số lượng quân bài bằng số lượng học viên và số lượng những quân bài giống nhau (VD cùng K hoặc Q hoặc 10....) bằng số lượng người trong nhóm THV dự kiến chia. Sau khi HV nhặt hết các lá bài, đề nghị những người có cùng quân bài về một nhóm.
Ghi chú: có thể thay thể quân bài bằng các thẻ giấy trên đó có ghi tên con vật và đề nghị HV phải kêu theo tiếng con vật đó để tìm nhũng người bạn trong nhóm (VD Mèo, Ngựa, Khỉ...). Hoặc những người có những mảnh vẽ của 1 bức tranh về cùng một nhóm.
2.Xin chữ ký. Phát cho mỗi học viên 1 tờ giấy trên đó có ghi những đặc điểm thú vị. Mỗi đặc điểm ghi vào một dòng. (VD: thích ăn đồ chua, là con gái út trong gia đình; không biết bơi, rất sợ chuột....). Học viên đi làm quen với nhau. Khi làm quen với ai thì hỏi xem họ có những đặc điểm gì ghi trên tờ giấy. Đề nghị họ ghi tên vào bên cạnh dòng chữ ghi đặc điểm đó.
Giao tiếp:
3.Ai là nhạc trưởng: Yêu cầu cả lớp đứng thành vòng tròn. Đề nghị một người xung phong làm người quan sát để phát hiện người nhạc trưởng. Trước khi trò chơi bắt đầu đề nghị người này ra ngoài. Những người còn lại chọn 1 người làm nhạc trưởng. Nhiệm vụ của người này là bí mật làm các động tác để mọi người làm theo (VD gãi đầu, xoa bụng, lắc mông....) Mọi người bí mật quan sát để làm theo và phải tìm cách bảo vệ người nhạc trưởng để người này khó bị phát hiện.
4.Quan sát sự thay đổi chia làm 2 nhóm đứng đối diện nhau, đảm bảo từng thành viên có một người đứng đối diện để quan sát. Yêu cầu mọi người quay lưng lại nhau và thay đổi ít nhất 2 điểm trên trang phục hoặc cơ thể. Đề nghị thành viên quay lại quan sát và phát hiện ra những thay đổi đó. Làm một vài lần về thay đổi trang phục, cơ thể sau đó đề nghị học viên thay đổi về thái độ, tâm trạng, tình cảm... để giúp bạn mình quan sát sâu hơn.
5.Giao tiếp không lời: chia 2 đội. Lần lượt từng đội chơi. Khi 1 đội chơi, đội kia ngồi xuống và xem. Người quản trò yêu cầu đội chơi đứng thành 1 hàng dọc quay lưng về phía người quản trò. Nguời quản trò ra lệnh khi có người vỗ vai mình mới được quay lại. Nhiệm vụ của từng người là quan sát bạn mình làm gì rồi làm lại đúng hệt cho người tiếp theo xem. Lần lượt các thành viên trong nhóm làm như vậy. Người xem sẽ thấy hành động lúc đầu so với hành động của người cuối cùng đã khác nhau rất nhiều. Sau khi người cuối cùng thực hiện xong, đề nghị người đầu tiên biểu diễn lại hành động để người chơi so sánh.
Để tránh lặp lại, người quản trò cần chuẩn bị 2 hành động khác nhau để mỗi đội thực hiện một hành động. Để trò chơi thú vị và để người chơi được quan sát nhiều, người quản trò nên thực hiện 1 hoạt động đòi hỏi nhiều thao tác, VD trồng cây hoặc đánh rằng, rửa mặt và mặt quần ào....VD về hành động1: Lấy xẻng, đào đất, lấy cây, trồng cây, lấp đất lại, tưới nước lên cây.
6.Truyền tin: Chia 2 nhóm truyền tin. Mẩu tin được THV chuẩn bị sẵn và viết sẵn ra 2 thẻ giấy. Người đầu tiên của mỗi nhóm được đọc nội dung ghi trên thẻ giấy và nói thầm vào tai người bên cạnh. Người được truyền tin không được quyền hỏi lại. Sau khi đã nhận tin, họ tiếp tục truyền tin đến người kế tiếp. Tiếp tục cho đến hết. Đề nghị người cuối cùng của hai nhóm ghi câu nghe được lên bảng. THV đọc nội dung gốc để cả lớp so sánh và thấy được sự khác biệt và vì sao lại có sự khác biệt như vậy.
7.Vẽ lại đồng hồ đeo tay của mình. Yêu cầu HV cất đồng hồ đeo tay, sau đó vẽ lại mặt đồng hồ mà không được nhìn vào đồng hồ. Nhiều HV có thể vẽ sai. Điều này cho thấy hàng ngày ta đều nhìn/quan sát nhưng chỉ với mục đích xem giờ do đó có thể không nhớ hết những gì vẫn thường thấy.
8.trăm nghe không bằng một thấy:
THV chuẩn bị 1 hình vẽ (xem hình)

Mời 1 người lên và nhìn hình vẽ trên và sử dụng cách giao tiếp bằng lời nói để hướng dẫn cả lớp vẽ được hình trên. Mời khoảng 3 người vẽ lên giấy to (để sau này sử dụng kết quả đó để đánh giá xem kết quả giao tiếp thông qua lờii nói hiệu quả ntn. Những HV khác nghe hướng dẫn và vẽ vào vở hoặc giâya A4. Ghi chú: cả lớp không biết hình vẽ như thế nào, trừ người được hướng dẫn.
Sau khoảng 5 phút hướng dẫn, treo hình đáp án để HV so sánh kết quả. Phân tích trò chơi để rút ra bài học về kỹ năng giao tiếp /hoặc truyền thông hiệu quả.
9.Tìm đường
Chuẩn bị: khăn bịt mắt, một tờ giấy có nhiêu đường dích dắc nhưng chỉ có 1 đường đến đúng đích. (giống trò chơi tìm đường – con thỏ tìm củ cà rốt của trẻ em). Mỗi người chơi có 1 bút viết.
Cách Tiến hành:
-Chia nhóm 2 người.
-Trong nhóm 1 người là người chỉ dẫn, người còn lại là người được hướng dẫn. Người được hướng dẫn phải bị bịt mắt.
-Phát tờ giấy tìm đường cho người hướng dẫn. Nhiệm vụ của họ là trong thời gian qui định (5 phút) sẽ phải hướng dẫn bạn mình đến đích bằng cách vẽ lên tờ giấy. Người hướng dẫn chỉ được nói, không được làm hộ. Người bịt mắt dùng bút vẽ ngay lên tờ giấy khi tìm đường đến đích. Nhóm nào về đích sớm là nhóm chiến thắng.
10.tình huống đặt câu hỏi thăm dò
THV có thể đưa tình huống, dựa vào tình huống đó HV đặt các câu hỏi thăm dò để tìm ra sự thật:
Một mình Lan nằm trong nhà. Bổng cửa mở, một người đàn ông to, cao buứơc vào. Hắn đi thằng đến tủ, mở khoá tủ và lấy hết quần áo, tiền và vàng. Trước khi ra khỏi nhà, hắn còn mang nốt cả chiếc TV. Khi hắn đi khỏi, Lan vẫn nằm yên, không kêu cứu, không báo cảnh sát. Hỏi tại sao?
Trò chơi này có thể giúp học về kỹ năng đặt câu hỏi thăm dò hoặc giúp phân tích về giả định do con người đưa ra ảnh huởng ntn đến hành vi của chúng ta
11.Tôi là ai
Phát cho mỗi người chơi 1 tờ giấy A4 và bút viết giấy. Đề nghị người chơi bí mật viết tên 1 nhân vật nổi tiếng ở VN (trong lịch sử hoặc hiện tại ở bất kỳ lĩnh vực nào họ muốn) lên trên tờ giấy A4 (đảm bảo viết đủ to để cả lớp đọc được. Đề nghị HV dán tờ giấy lên lưng 1 người trong lớp (đảm bảo họ không được nhìn thấy tên ghi trên tờ giấy). Như vậy, mỗi người đều đã trở thành 1 nhân vật nổi tiếng nhưng họ lại không biết mình là ai. Mọi người phải đặt ra các câu hỏi để tìm ra mình là ai. Những người khác giúp bằng cách chỉ trả lời câu hỏi mà không được cung cấp thêm thông tin.
12.Trò chơi kiểm tra khả năng lắng nghe
Chia lớp thành 3 đội. Sau mỗi câu hỏi, từng đội thảo luận trong nửa phút, sau đó ghi kết quả lên thẻ giấy và giơ lên
-một năm có bao nhiêu tháng có 28 ngày
-một người đi ngủ lúc 6 giờ tối. Ngày mai anh ấy phải dậy đi làm lúc 7 giò sáng. Vì vậy, anh ấy để chuông lúc 7 giờ và đi ngủ. Khi chuông kêu, anh ấy tỉnh dậy ngay và mặc quần áo chuẩn bị đi làm. Hỏi anh ta ngủ đựoc mấy tiếng?
-trong đời một người có bao nhiêu ngày snh nhật?
-Trong một căn phòng tối, bạn muốn làm căn phòng sáng lên. Trong phòng có 1 cây nên, 1 bao diêm, 1 cây đèn bão, 1 cây đèn dầu. Bạn chọn vât gì đầu tiên để thắp sáng căn phòng
-Bạn có 2 cái túi, một túi đựng 1 kg bông, túi kia đựng 1 kg sắt. Hỏi túi nào nặng hơn?
Ôn lại bài học:
1.Tung bóng (bóng ném về phía ai, người đó phải bắt bóng và nói lên 1 điều đã học của buổi học trước).

2.Khúc biến tấu ngộ nghĩnh: THV viết các từ hoặc cụm từ liên quan đến nội dung đã học lên các thẻ giấy (đảm bảo đủ to để cả lớp đọc được). Mời một vài học viên xung phong lên chơi đoán đúng từ/cụm từ ghi trên thẻ giấy. Người xung phong không được nhìn nội dung ghi trên thẻ giấy trong khi THV giơ thẻ giấy cho cả lớp xem. Lớp sẽ đưa ra những lời gợi ý (đảm bảo không được nói đến bất kỳ từ nào ghi trên thẻ giấy) để người chơi đoán. Thông qua việc đưa ra những lời gợi ý, học viên được ôn lại kiến thức đã học.
2.Hiểu nhau và hiểu bài: Viết một số nội dung học lên thẻ giấy. Một nội dung vào 1 tờ. Mời 1 HV lên xem nội dung đó. Sau đó, người này có nhiệm vụ thể hiện nội dung đó bằng hình vẽ, sơ đồ hoặc biểu tượng hoặc động tác, kịch câm để cả lớp đoán đó là nội dung gì. Để tạo không khí cạnh tranh/thi đua, có thể chia lớp ra thành một vài nhóm và có tính điểm. Mỗi đội cử 1 nguời lên giúp đội mình trả lời. Nếu thành viên trong đội không trả lời được, các đội khác được quyền trả lời. Nếu trả lời đúng, họ sẽ giành số điểm của đội không trả lời được. Đội giành số điểm cao nhất là đội chiến thắng.
3.Bóng rổ/bóng chuyền tính điểm: Học viên chia thành 2 hoặc 3 đội. Lần lượt các đội lên bắt câu hỏi, đọc to trước lớp, sau đó thảo luận trong nhóm về câu trả lời. Cách tính điểm là: đưa ra đáp án đúng được 1 điểm; giải thích đầy đủ, chính xác được 1 điểm nữa. Nếu đội dành quyền trả lời đưa đáp án sai hoặc giải thích chưa tốt, đội khác sẽ có cơ hội giành điểm nếu họ đưa đáp án đúng hơn hoặc giải thích. Có thể thay thế việc THV đưa câu hỏi bằng việc HV suy nghĩ trước về câu hỏi và đáp án từ buổi tối hôm trước, sau đó mỗi đội lần lượt hỏi đội bạn.
4.Ghép từ dựa theo nội dung đã học. THV đưa ra các từ, đề nghị HV ghép thành những cụm từ có ý nghĩa theo nội dung đã học. Nên đưa ra những cách ôn lại bài giúp học viên áp dụng kiến thức đã học vào cuộc sống hơn là chỉ nhắc lại những ý chính được học. Hoặc đưa ra những điều tâm đắc học được trong ngày (tức là sự liên hệ những gì được học với kinh nghiệm và công việc, cuộc sống của bản thân).
5.Chuẩn bị các câu hỏi liên quan đến nội dung học trong buổi học trước. Chia lớp về nhóm. Ra các câu hỏi để từng nhóm trả lời.
6.Ngồi vòng tròn vừa hát và vừa truyền một vật. Khi lời hát dừng, vật truyền do ai cầm thì người đó là người phải trả lời câu hỏi liên quan đến bài học do người điều hành đưa ra